Sai lầm của kiến trúc sư và các nhà quy hoạch đô thị biến nhiều tòa nhà chọc trời đắt giá thành nơi hoang phế hoặc phải mất cả núi tiền để sửa sai.
Millenium Dome ở London (Anh) vốn được thiết kế làm nơi tổ chức triển lãm chào thiên niên kỷ thứ 3 nhưng bị đóng cửa vào cuối năm 2000 dù khai trương ngay đầu năm. Kinh phí 1,5 tỷ USD, nơi đây chỉ thu hút được nửa số khách dự kiến và bị chỉ trích vì thiết kế xấu.
Tòa tháp John Hancock ở Boston (Mỹ) gồm 60 tầng, xây dựng năm 1976. Các kiến trúc sư đã không tính toán được tác động của sức gió. Hậu quả là 10.000 ô kính cửa sổ bị rơi xuống đất vỡ tan. Việc thay thế cửa kính bằng cửa gỗ dán đã tiêu tốn 6 triệu USD.
Nhà thờ St Mary và All Saints ở Chesterfield (Anh) có từ thế kỷ 14 và là chủ đề của rất nhiều đồn đoán. Có người tin rằng kiến trúc xoắn khó hiểu trên mái nhà thờ là tác phẩm của quỷ dữ, số khác khẳng định do dùng gỗ còn tươi và mới đây là ý kiến cho rằng do sức nặng của ngói lợp.
Trung tâm AON ở Chicago (Mỹ) là tòa nhà tráng đá cẩm thạch cao nhất thế giới vào thời điểm hoàn thành năm 1974 với 43.000 phiến đá nhưng hóa ra lại là một cấu trúc yếu ớt. Sau sự cố đổ sập 160kg đá xuống đất, công trình đã phải lợp lại đá granite, tiêu tốn 86 triệu USD.
20 Fenchurch Street, London (Anh) trị giá 345 triệu USD, nổi tiếng nhờ lớp kính cong nhưng ánh sáng phản chiếu từ lớp kính này lại làm tan chảy những chiếc xe hơi đậu dưới đường. Người ta phải phủ một tấm bạt khổng lồ lên mặt tháp phía nam để hạn chế hiệu ứng trên.
Khách sạn Ryugyong (Triều Tiên) được biết tới với tên gọi khách sạn ma, cao 330m, gồm 3.000 phòng và vẫn chưa hoàn thiện kể từ năm khởi công 1987. Do kinh phí ước tính lên tới 800 triệu USD (2% GDP Triều Tiên) nên việc xây dựng bị hoãn vô thời hạn.
Khách sạn và spa Vdara ở Las Vegas (Mỹ) khai trương năm 2009. Giống trường hợp tòa nhà chọc trời ở London, khách sạn này được bao phủ bởi các lớp kính cong. Ánh sáng hội tụ trên bề mặt kính, chiếu thẳng xuống bể bơi bên dưới, làm cháy da du khách.
Tour Montparnasse ở Paris (Pháp) khai trương năm 1973, là tòa nhà chọc trời đầu tiên và cũng là cuối cùng từng được xây dựng tại Paris vì bị chỉ trích nặng nề do phá vỡ lối kiến trúc truyền thống ở thủ đô nước Pháp.
Pier One Playground ở Brooklyn (New York) được thiết kế làm điểm vui chơi giải trí chính của Công viên Cầu Brooklyn, gồm 3 mái vòm kim loại, nhưng đã phải sửa lại chỉ vài tháng sau khi mở cửa. Lũ trẻ phàn nàn về nhiệt độ quá cao khiến chúng bị cháy nắng khi chơi trong mái vòm.
Lotus Riverside ở Thượng Hải (Trung Quốc): Năm 2009, ngay thời điểm sắp khánh thành, 1 trong 11 tòa nhà, mỗi tòa 13 tầng, bất ngờ đổ sụp. Sự cố nghiêm trọng này được xác định là do quá trình đào móng sai lầm, tạo thành dòng chảy lớn, nhấn chìm cả móng tòa nhà.
Theo: baoxaydung.com.vn
Đăng nhận xét