Tính đến năm 2014, Việt Nam đã được UNESCO công nhận 18 di sản thế giới. Các di sản này không chỉ là minh chứng cho một đất nước Việt Nam tươi đẹp, đa dạng về phong cảnh thiên nhiên; phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc; có bề dày lịch sử mà còn là những điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Cố đô Huế

Kinh đô Huế là thủ đô của quốc gia Việt Nam thống nhất từ năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế mở đầu cho nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Huế kết thúc sứ mệnh là thủ đô Việt Nam vào năm 1945, khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị. Kể từ đó, thủ đô Việt Nam một lần nữa lại được chọn là Hà Nội, Kinh đô Huế xưa trở thành Cố đô. Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11/12/1993. Hiện tại, cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 48 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Quần thể di tích Cố đô Huế có thể phân chia thành các cụm công trình, gồm các cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong Kinh thành Huế.

Khám phá những di sản thế giới tại Việt Nam

Cổng Ngọ Môn, một trong những biểu tượng của Cố đô Huế

Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An nằm cách Đà Nẵng 30km, là một trong những trung tâm buôn bán quốc tế lớn của Đông Á trong giai đoạn từ thế kỷ 15 đến 19. Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ, gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ... những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao phủ một màu rêu phong cổ kính. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Tháng 12/1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là Di sản Văn hoá thế giới.

Khám phá những di sản thế giới tại Việt Nam

Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.

Khu Di sản Thế giới - Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là một phần của tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc Việt. Vịnh Hạ Long được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là Khu bảo vệ Quốc gia năm 1962 và đến năm 1994 được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vì vẻ đẹp tự nhiên của Vịnh. Tháng 11/2000, tại phiên họp thứ 24, vịnh Hạ Long lại được công nhận một lần nữa vì những giá trị địa mạo của nó.
Kể từ khi Vịnh Hạ Long được công nhận lần cuối cùng, những nghiên cứu tiếp theo đã kiến nghị rằng Vịnh Hạ Long và các vùng lân cận là nơi cư trú của rất nhiêu loài sinh vật quý hiếm, góp phần đáng kể vào việc bảo tồn đa dạng sinh học. Như vậy, Vịnh Hạ Long có tiềm năng đáp ứng tiêu chuẩn thứ 3 mà từ trước tới nay chưa có di sản thế giới nào ở Việt Nam đạt được, bởi nó chứa đựng “môi trường sống tự nhiên quan trọng bậc nhất cho việc gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học”.
Rất nhiều địa danh có ý nghĩa lịch sử và giá trị địa chất còn sót lại ở trong và các khu vực lân cận của Vịnh Hạ Long, và thêm vào đó, nó còn được thể hiện mạnh mẽ trong các truyền thuyết và truyện cổ tích của người Việt.


Biểu tượng của Vịnh Hạ Long: Hòn Gà Chọi

Khu đền tháp Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km. Đây là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Vào năm 1885, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một toán lính Pháp. Năm 1898 - 1899, hai nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière cùng nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.


Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Một quần thể rộng lớn kéo dài tới tận biên giới nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, là khu địa lý rât đa dạng với nhiều cảnh đẹp, trải rộng tới 65 km, bao gồm các hang động và sông ngầm. Khu bảo tồn được bao phủ bởi rừng nhiệt đới, với sự đa dạng của nhiều loài động vật và đa dang sinh học. Những khảo sát sơ bộ về hệ động vật ở đây đã chỉ ra 461 loài động vật có xương sống gồm 65 dạng. Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng mang trong mình các bằng chứng ấn tượng về lịch sử Trái đất. Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng có lẽ là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về sự kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á. Được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, Phong Nha-Kẻ Bàng cũng từng được đề cử UNESCO công nhận lần 2 là Di sản Thiên nhiên Thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học ngày 29/6/2011.


Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha - Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ.

Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Song hành cùng lịch sử dân tộc trong suốt 10 thế kỷ qua, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... được tìm thấy ở đây, là bằng chứng cho thấy Thăng Long đã từng là trung tâm giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.


Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ là tòa thành bằng đá độc đáo nằm giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407 do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là Tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397.
Thành Nhà Hồ là công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn trên mặt đất và cả trong lòng đất.


Trong hồ sơ di sản thế giới, thành nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam và khu vực.
Theo:baoxaydung.com

Đăng nhận xét